Hiểu về chống nắng từ gốc rễ (Phần 2)

eab0ad14a2f87fa626e9

Ở phần 1, chúng ta đã tìm hiểu thông tin cơ bản về bức xạ mặt trời và các tác hại của chúng. Vì vậy, việc chống nắng để ngăn ngừa lão hóa da rất cần thiết. Hiện nay kem chống nắng trở thành sản phẩm vô cùng cần thiết trong hoạt động chống nắng.

Chống nắng vật lí và chống nắng hóa học

Chống nắng vật lí và hoá học – 2 loại hình chống nắng phổ biến nhất hiện nay. Trong khi kem chống nắng vật lí nằm trên da và ngăn chặn các tia ở bề mặt, thì kem chống nắng hóa học sẽ hấp thụ và xử lý chúng. Chống nắng vật lí ở dạng tập hợp các hạt khoáng là zinc oxide và titanium dioxide tạo nên một hàng rào vật lí phản xạ lại các bức xạ UV, đẩy bật chúng trở về môi trường. Chúng có khả năng phản xạ phổ rộng (cả UVA và UVB). Chống nắng vật lí có ưu điểm: Lành tính, ổn định với ánh sáng, không gây nhiễm độc ánh sáng và kích ứng da, ít gây bít tắc lỗ chân lông, có thể tiếp xúc ngay với ánh nắng sau khi bôi sản phẩm. Tuy nhiên, cần một lượng đủ lớn các hoạt chất này mới có thể tạo lớp màng phản xạ UV đạt tiêu chuẩn. Vì thế, sản phẩm chống nắng vật lí thường có kết cấu dày, mang màu khoáng trắng đục khó tiệp màu da, lớp sản phẩm dày nặng trên da, lại dễ bị trôi với nước nên không phù hợp khi đổ nhiều mồ hôi hoặc bơi lội… Công thức thế hệ mới “vi lượng hoá” hiện nay đã phần nào khắc phục nhược điểm này và giúp giảm độ đục của sản phẩm.

Chống nắng hoá học là những hợp chất hữu cơ hấp thụ UV, chuyển đổi năng lượng thành bức xạ có bước sóng dài hơn (nhiệt năng yếu). Gọi là chống nắng hoá học nhưng thực chất các thành phần trong nhóm này đều là “các bộ lọc UV hữu cơ” chứ không phải là “các chất hoá học tổng hợp” như ta thường nghĩ. Ưu điểm của chống nắng hoá học là dễ tiệp màu, chỉ cần lớp mỏng là có thể hoạt động hiệu quả, có khả năng kháng nước cao, công thức dễ bổ sung hoạt chất chống lão hoá khác. Tuy nhiên, chống nắng hoá học có nguy cơ gây kích ứng hoặc viêm da tiếp xúc, cũng có nguy cơ bít tắc nang lông và cần khoảng thời gian sau thoa 15-20’ trước khi tiếp xúc ánh nắng. Khoảng thời gian này là để khử nhũ tương, hấp thu và tạo lớp màng bảo vệ mỏng trên da.

eab0ad14a2f87fa626e9 scaled

* Thành phần oxybenzone, chất có liên quan đến dị ứng, rối loạn nội tiết tố (hoạt động của estrogen) và tổn thương tế bào từng là thành phần không thể thiếu trong các kem chống nắng hoá học thế hệ cũ nay đã được một số thương hiệu loại bỏ ra khỏi công thức mà kem vẫn đạt hiệu quả chống nắng.

Mặc dù kem chống nắng vật lí có thể ít gây kích ứng da hơn kem chống nắng hóa học, nhưng cả hai loại đều đã được kiểm nghiệm là an toàn và hiệu quả. Trên thực tế, nhiều sản phẩm chống nắng có sẵn ngày nay kết hợp cả hai loại thành phần vật lí và hoá học để tối ưu hoá sự bảo vệ đồng thời khắc phục nhược điểm của từng loại. Ngoài ra, các sản phẩm chống nắng cao cấp ngày nay bên cạnh tính năng lọc / hấp thụ hoặc phản xạ / tán xạ UV còn có thêm các đặc tính sinh học là chống oxy hoá thông qua khả năng trung hoà gốc tự do, phục hồi DNA và / hoặc chống lão hoá cho nên làn da được đồng thời sửa chữa ngay trong quá trình chống nắng.

Các chỉ số chống nắng xuất hiện trên kem chống nắng

Kí hiệu mà ta thấy thường xuyên nhất trên những tuýp kem chống nắng là SPF và PA.

SPF (SUN PROTECTION FACTOR) là khả năng ngăn ngừa xuất hiện hồng ban (triệu chứng của bỏng nắng) khi da tiếp xúc với UV, chủ yếu là UVB. Ví dụ: khi da bạn sau 10’ tiếp xúc với ánh nắng sẽ bị hồng ban thì sản phẩm chống nắng SPF30 sẽ giúp kéo dài thời gian đó lên gấp 30 lần, tương đương 300’. Đây là ý nghĩa của chỉ số SPF. Về mặt lí thuyết, sản phẩm cần bôi lại sau 300’ (5h), có thể sớm hơn khi trừ hao các yếu tố gây bốc hơi, trôi bớt của sản phẩm và còn 4h. Tuy nhiên, bức xạ UVB không chỉ gây bỏng nắng mà nguy cơ gây tổn thương DNA rất cao cho nên theo khuyến cáo của hiệp hội ung thư Hoa Kỳ: “Không quan trọng SPF, việc thoa lại sau mỗi hai giờ là điều quan trọng. Kem chống nắng cũng phải được thoa lại ngay sau khi bơi hoặc đổ mồ hôi”.

PA (Protection grade of UVA), là chỉ số chỉ khả năng lọc UVA của sản phẩm. Chỉ số này do hiệp hội da liễu Nhật Bản đưa ra. Có các mức PA như sau: PA+ có khả năng chống tia UVA ở mức từ 40-50%. PA++ có khả năng chống tia UVA tốt hơn, ở mức từ 60-70%. PA+++: có khả năng chống tia UVA tốt, tới 90%. PA++++: Có khả năng chống tia UVA rất tốt, trên 95%.

Xu hướng các sản phẩm chống nắng châu Á hiện nay đưa ra cả 2 chỉ số là SPF và PA.

Hãy cùng đón chờ phần 3 trong series “Hiểu về chống nắng từ gốc rễ” để tìm hiểu những hoạt chất phổ biến và cao cấp trong kem chống nắng sẽ có nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *